Đi khám vì thấy ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục, cô gái 25 tuổi ở Hà Nội bàng hoàng khi nhận kết quả bị ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn. Khả năng mang thai, sinh con của cô rất khó khăn.
Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thị Ngân, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết bệnh nhân trẻ, trú tại Hà Nội, ngoại hình ưa nhìn. Chia sẻ lý do đi khám, bệnh nhân cho biết 3 tháng trước phát hiện âm đạo ra máu sau khi “gần gũi” nhưng chủ quan, cho rằng đó là phần sót lại của kỳ kinh.
Sau lần đó, thỉnh thoảng vài tuần nữ bệnh nhân lại thấy tình trạng lặp lại. Gần đây, lượng máu ra nhiều hơn, đau đớn, khó chịu khi đi tiểu, chị mới đi khám, đinh ninh rằng bị bệnh phụ khoa thông thường, chỉ cần uống thuốc là khỏi.
Thăm khám lâm sàng, bằng cảm giác tay và mắt, bác sĩ Ngân phát hiện cổ tử cung của bệnh nhân tổn thương sùi loét, thâm nhiễm nhiều nơi, xâm nhập vào lớp đáy cổ tử cung. Đặc biệt, vùng tổn thương cứng chắc, không mềm mại như bình thường.
“Sau khi hội chẩn lãnh đạo khoa, chúng tôi thông báo cho bệnh nhân có bất thường cổ tử cung, cần phải khám chuyên sâu, thậm chí bấm sinh thiết giải phẫu. Dường như cô gái trẻ không tin, cho rằng tuổi trẻ như vậy không thể có ‘vấn đề’, bác sĩ Ngân chia sẻ với VietNamNet ngày 30/10.
Chỉ đến khi kết quả sinh thiết khẳng định phù hợp với chẩn đoán ban đầu là ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn, cô gái bàng hoàng, ngã quỵ vì tiên lượng điều trị không tích cực. Khả năng mang thai, sinh con của cô dường như rất khó khăn.
“Bệnh nhân chưa lập gia đình, có đời sống tình dục phong phú với nhiều ‘đối tác’, lần đầu quan hệ tình dục khi mới 16 tuổi nhưng chưa từng đi khám phụ khoa định kỳ. Lần đầu tiên đi khám không ngờ lại phát hiện bệnh nguy hiểm”, bác sĩ Ngân chia sẻ.
Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết ung thư cổ tử cung có hiện tượng trẻ hóa. Trước đó, một phụ nữ mới 28 tuổi, cũng đi khám với lý do ra máu sau quan hệ như trường hợp trên đây, phát hiện ung thư giai đoạn 2B, phải phẫu thuật. Dù quay lại cuộc sống bình thường nhưng cô mất khả năng làm mẹ.
“Bệnh nhân mới 25 tuổi nhưng có 9 năm quan hệ tình dục với nhiều đối tượng, đây chính là nguồn lây virus gây u nhú ở người (HPV) – thủ phạm chính gây ung thư cổ tử cung”, bác sĩ Ngân cho hay. Đây là bệnh lý khiến 2.400 phụ nữ Việt tử vong mỗi năm. Theo số liệu từ Globocan, năm 2020 có thêm 4.200 phụ nữ nước ta mắc bệnh này.
Khoảng 80% trường hợp có hoạt động tình dục đều có nguy cơ nhiễm virus HPV ít nhất một lần trong đời, tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20-30. Tuy nhiên, đại đa số trường hợp HPV có thể tự thoái triển, đào thải ra khỏi cơ thể sau khoảng 1-2 năm, khoảng 10-20% trường hợp nhiễm HVP sẽ kéo dài nhiều năm và làm biến đổi tế bào ở cổ tử cung.
Ngoài virus HPV, sinh hoạt tình dục sớm, nhiều bạn tình, nhiễm trùng, tác động của tinh dịch, trạng thái suy giảm miễn dịch, hút thuốc lá, dinh dưỡng… cũng là các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh.
Ra máu và tiết dịch âm đạo bất thường (như các trường hợp trên đây), đau và chảy máu khi quan hệ tình dục được coi là các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư cổ tử cung.
Mới đây, bác sĩ Ngân khám cho một phụ nữ 47 tuổi (ở Hà Đông, Hà Nội) tiền sử u xơ tử cung đến khám vì rong kinh, bác sĩ hướng đến chẩn đoán u xơ tử cung có biến chứng. Thăm khám kỹ, bác sĩ phát hiện cổ tử cung bệnh nhân chắc cứng, phì đại, lẫn lộn ra máu. Kết quả sinh thiết nhiều vị trí cho chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ Ngân khuyến cáo từ tuổi 21 trở đi, mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc bệnh này. Do đó, sàng lọc, tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên từ 35-44 tuổi, giúp phát hiện tế bào ung thư sớm bằng cách tìm ra tế bào bất thường trước khi biến đổi thành tế bào ung thư. Tần suất thực hiện tầm soát tùy thuộc loại xét nghiệm, thường là 3 năm/lần.
Khám phụ khoa định kỳ, ít nhất 6 tháng/lần cũng là việc nên làm. Thực tế, không ít người trẻ đến khám với bác sĩ Ngân phát hiện bệnh nguy hiểm ngay lần đầu đi khám phụ khoa.
“Với ung thư cổ tử cung, nếu đợi đến khi quan hệ có dấu hiệu đau, ra máu… thì đã ở giai đoạn muộn. Nhiều trường hợp chỉ khám phụ khoa đã phát hiện bất thường, nhiễm virus HPV kèm tổn thương cổ tử cung mức độ cao, sát ung thư. Nếu không phát hiện sớm những tổn thương này, chỉ 2-3 năm sau sẽ tiến triển thành ung thư”, bác sĩ Ngân phân tích.