Tóc là một trong những vật lạ thường được tìm thấy trong thực phẩm, điều gì xảy ra nếu có một sợi tóc trong thức ăn của bạn?
Một sợi tóc duy nhất không thể chứa đủ vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh Freepik.
Tóc con người có khoảng 98% là protein, phần lớn là keratin. Chất này cũng tạo nên lớp ngoài của da, móng tay và che chắn cho các cơ quan nội tạng bên trong.
Trên đầu, trung bình có 100.000 sợi tóc và có tới 50-100 sợi rụng trong một ngày. Khả năng một sợi tóc ngẫu nhiên lọt vào đĩa thức ăn tương đối cao. Nếu vô tình nuốt hoặc làm rơi tóc vào thức ăn, mặc dù không nguy hiểm nhưng chúng có thể gây buồn nôn và làm bẩn thức ăn.
Theo một báo cáo công bố trên trang Mental Floss, mỗi 50 gram bột quế, bột ớt ở Mỹ vẫn bị lẫn khoảng 11 sợi lông chuột.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho rằng cho rằng việc có tóc người hay lông thú trong thực phẩm gần như không gây ra vấn đề an toàn vệ sinh, mà chỉ là vấn đề về mặt thẩm mỹ và chất lượng món ăn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia có ý kiến khác. Giáo sư khoa học thực phẩm Rogerria Aleida đến từ Đại học Liên bang Bahia, Brazil, cho biết: “Tóc có thể là mối nguy hiểm về mặt vật lý hoặc sinh học.”
Về rủi ro vật lý, tóc người được coi là chất gây ô nhiễm cùng với các mảnh vụn gỗ hoặc côn trùng. Một mối nguy hiểm mà tóc có thể gây ra như nghẹt thở hoặc gây tổn thương trong miệng, theo India Today.
Một báo cáo do Viện Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Phát triển Quốc gia, New Delhi, Ấn Độ, cho biết tóc có thể chứa một số chất gây ô nhiễm hóa học độc hại.
Dầu thừa, mồ hôi, cặn hóa chất xử lý tóc và dầu gội, thuốc nhuộm hay bất kỳ chất hữu cơ nào khác bám trên tóc sẽ trở thành nơi sinh sản của mầm bệnh khi để lâu trong thức ăn.
Về nguy cơ sinh học, Staphylococcus aureus một loại vi khuẩn ảnh hưởng đến nang tóc và dẫn đến rụng tóc. Các nhà nghiên cứu cho biết hầu hết thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn này là do tiếp xúc với đầu bếp, đặc biệt là khi thực phẩm được chế biến bằng tay và không được nấu chín.
Chẳng hạn, tóc trong món salad hoặc trái cây cắt sẵn, bánh mì sandwich và tương ớt có thể chứa vi khuẩn này. Tuy nhiên, bạn không biết liệu sợi tóc có trong món ăn đó liệu có chứa mầm bệnh hay không.
Tóm lại, có tóc trong thức ăn gần như không gây ra mối nguy hiểm quá lớn. Bạn có thể lấy nó ra khỏi đồ ăn của mình và tiếp tục dùng bữa nếu không cảm thấy mất ngon.
Bác sĩ nhắn gửi ‘đừng biến tủ lạnh thành thùng rác’ trong ngày Tết
Mua thật nhiều thực phẩm sống lẫn chín rồi bảo quản đồ ăn đến chật tủ lạnh là thói quen của không ít người nội trợ trong dịp Tết.
Điều này có thể vô tình biến tủ lạnh thành thùng rác.
Do nhà đông người, mẹ tôi luôn chất đầy tủ lạnh đồ ăn sống lẫn chín, nấu nướng dư thừa rất nhiều mỗi dịp nghỉ Tết Âm lịch. Đồ ăn, rau dưa hư hỏng, tủ lạnh cũng muốn bốc mùi. Mong bác sĩ tư vấn thêm về chuyện tích trữ và bảo quản đồ ăn, tôi lo rằng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn vệ sinh. (Ngân Anh, Đồng Nai)
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Phương Thuỳ, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) trả lời:
Việc tích trữ nhiều đồ ăn trong tủ lạnh có ảnh hưởng đến sức khỏe không là câu hỏi rất nhiều chị em nội trợ quan tâm, đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết dài ngày.
Vấn đề đầu tiên có thể nhìn thấy là tâm lý tích trữ thực phẩm quá nhiều sẽ gây quá tải trong việc bảo quản, đặc biệt là với chiếc tủ lạnh. Chúng ta đừng biến tủ lạnh thành thùng rác.
Thực tế, khi dự trữ quá nhiều thức ăn trong thời gian càng lâu thì hàm lượng dinh dưỡng càng giảm, đồng thời mang theo nguy cơ biến chất và gây độc cho thực phẩm. Vì vậy, tốt nhất chúng ta nên mua và sử dụng thực phẩm trong vòng 2-3 ngày.
Bên cạnh đó, cách bảo quản thực phẩm cũng rất quan trọng. Với mỗi loại thực phẩm khác nhau, chúng ta cần sơ chế và bảo quản khác nhau. Cụ thể như sau:
– Đối với thực phẩm sống như thịt cá, người nội trợ nên sơ chế và cắt miếng, để hộp đậy kín, trữ trong ngăn đông tủ lạnh nếu chưa dùng. Khi cần sử dụng, bạn rã đông rồi dùng hết phần thịt cá đó, không cấp đông lại một lần nữa.
– Đối với rau xanh, trái cây, củ quả: Rau và trái cây cần rửa sạch, để ráo, bọc kín và để vào ngăn mát tủ lạnh. Củ quả có thể không cần rửa, khi nào sử dụng thì gọt vỏ hoặc ngâm nước.
– Đối với thực phẩm đã chế biến như thịt kho trứng, chân giò hầm măng, khổ qua nhồi thịt: Gia đình nên nấu vừa đủ dùng trong 2-3 ngày, ăn phần nào sẽ lấy phần đó, tránh hâm đi hâm lại nhiều lần.
– Đối với bánh chưng, bánh tết: Loại bánh này nên bảo quản nơi thoáng mát, không nhất thiết phải để trong tủ lạnh. Nếu bánh có dấu hiệu cứng lại, có thể chiên, hấp, luộc lại và sử dụng bình thường.
– Đối với các loại chả lụa, nem chua: Bạn nên bỏ phần vỏ bên ngoài để tránh tình trạng “đổ mồ hôi” rồi lưu trữ trong ngăn mát tủ lạnh, nên dùng hết trong 2 ngày sau khi mở ra.
– Đối với đồ hộp: Cần chú ý hạn sử dụng, nhãn mác, tên nhà sản xuất để đảm bảo đồ hộp an toàn và có chất lượng. Tuyệt đối không sử dụng nếu đồ hộp có dấu hiệu hư hỏng, hộp bị móp, bị phồng hoặc biến dạng.