Khi đã bị cuốn vào ẩm thực Tây Bắc thì sau những ngỡ ngàng là cuốn hút và mê mẩn, sâu tre cũng là một món ăn như vậy. Thực khách dưới xuôi đã được nếm thử, nếu đã gật gù thì lại mong có dịp thưởng thức. Chính vì thế, sâu tre trở thành một đặc sản dù có tiền cũng không dễ dàng mua được.
Trên bản đồ ẩm thực, nhiều món ăn Tây Bắc có cái tên khiến người ta ấn tượng và nhớ mãi, thậm chí tên nghe trúc trắc như nậm pịa, canh bon hay pa pỉnh tộp … Biết tên rồi, gạt bỏ chút e ngại và thưởng thức thì những món ăn ấy càng gây bất ngờ vì hương vị độc đáo. Nhưng có lẽ món sâu tre sẽ khiến thực khách giật mình hơn cả.
Loại sâu tre sinh trưởng ở thân tre non héo ngọn
Sâu tre là đặc sản của một số tỉnh miền núi.
Là một loại ấu trùng sống trong đốt tre, sâu tre có màu trắng muốt, dài chừng hai đốt ngón tay. Người miền núi như đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La, cứ mỗi độ thu sang, tầm tháng 9, tháng 10 lại tấp nập lên rừng săn sâu. Đây là thời điểm sâu sinh trưởng nhiều và phù hợp để chế biến thành món ăn.
Gọi là săn vì không có sẵn, không phải thân tre nào cũng là nơi sinh trưởng của loại sâu này. Chúng thường trú ẩn ở những những thân tre còn non nhưng đã bị héo phần ngọn, nếu trên thân xuất hiện những lỗ đục nhỏ, đốt tre co lại bất thường thì chắc chắn cây tre đó có sâu.
Người ta chỉ cần hạ cây tre sâu xuống, dùng dao khéo léo chẻ dọc thân tre là lộ ra những con sâu béo mầm, trắng ngần. Nếu đã tìm đúng thân tre có sâu thì sẽ thu hoạch được khá nhiều sâu trong thân, trung bình khoảng 0,5 kg hoặc hơn.
Sâu tre, sâu măng hay còn gọi là sùng tre (Omphisa fuscidentalis) là một loài ngài thuộc họ Crambidae. Loại sâu này nhỏ bằng đầu đũa, thuôn dài khoảng 2 đốt ngón tay và trắng ngần. Với người không biết nhìn sẽ tưởng đó là sâu chít , một loại sâu thường để ngâm rượu. Sâu tre gần giống với sâu chít song sâu chít người dân thường dùng để ngâm rượu chứ không ăn còn sâu tre mọi người thường mua về chế biến.
Sâu tre có ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn … Mùa sâu tre ngắn ngủi trong một tháng, vì chúng sinh sôi trong thời gian thường từ tháng 9 đến tháng 10 là hết nên được xem là món đặc sản hiếm. Do đó nhiều người tranh thủ mua rồi cấp đông để chuyển về dưới xuôi.
Trước kia, sâu tre chỉ được dùng làm món ăn trong gia đình đồng bào thiểu số nhưng sau này sâu tre trở thành đặc sản được nhiều người ở dưới xuôi ưa chuộng nên dần dần giá thành cao. Mỗi kg sâu tre tươi có giá từ 500 – 700 nghìn đồng, tuy nhiên không phải cứ có tiền là mua được mà cần phải dặn trước người buôn. Ngoài món sâu tre tươi hoặc cấp đông được rao bán trên mạng, hiện nay còn có các sản phẩm sâu tre sấy giòn được đóng gói.
Sâu tre được chế biến thành món ăn béo ngậy. Ảnh: A Bản
Cách chế biến sâu tre
Ở nhà của đồng bào, món sâu tre được chế biến đơn giản, thường là món sâu tre rang lá chanh rồi trút ra chiếc đĩa cũ, cả nhà quây quần thưởng thức.
Xuống phố, món sâu tre có thể được chế biến cầu kỳ hơn chút, sau khi rửa sạch sâu, ngâm nước muối loãng rồi ướp thêm chút tiêu muối cho ngấm khoảng 15 phút rồi phi thơm hành, trút sâu tre vào chảo, đảo nhanh tay. Khi sâu chuyển sang màu vàng nhạt, cho lá chanh thái chỉ vào đảo đều, chừng 3 phút vì đảo lâu sẽ bị giòn mất đi độ béo ngậy, cuốn sâu tre với lá lốt chấm nước măng chua.
Có người lại sơ chế sâu tre bằng cách chần qua nước sôi có chứa lá chanh, sả, gừng, sau đó ướp gia vị và sấy khô giòn cùng lá chanh, sả, ớt. Ngoài ra, còn có thể chế biến các món ăn khác nhau như xào, chiên, băm chả, hấp… ăn kèm với cơm nếp hoặc làm mồi nhậu lai rai.
Cẩn trọng khi ăn côn trùng
Không ít ca ngộ độc do ăn côn trùng đã xảy ra do đó khi mới lần đầu nếm thử nên chú ý phản ứng của cơ thể. Côn trùng cũng như nhiều loại thực phẩm chứa protein (sữa, động vật có vỏ…) có thể gây ra phản ứng dị ứng ở những người nhạy cảm. Những phản ứng này có thể bao gồm phát ban, nổi mẩn ngứa, buồn nôn, tiêu chảy và sốc phản vệ cùng nhiều phản ứng khác. Do đó, những người từng bị dị ứng với tôm hoặc các loài giáp xác khác, rất có thể sẽ bị dị ứng với côn trùng ăn được.
Do chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về côn trùng sử dụng trong chế biến thực phẩm, vì vậy, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế khuyến cáo:
- Tuyệt đối không sử dụng, không ăn thử các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.
- Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Đặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.
- Tuân thủ sơ chế an toàn, rửa sạch, làm sạch, ngâm nước muối và nấu chín, tuyệt đối không ăn sống.
- Khi có biểu hiện ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.