Từ vụ cô gái 23 tuổi bị sốc phản vệ do tập thể dục quá sức, cảnh báo nếu có 3 dấu hiệu này khi vận động thì cần dừng lại ngay

Ngoài dấu hiệu ngứa, nổi mề đay… bạn cũng nên thận trọng khi đang tập thể dục mà xuất hiện các dấu hiệu này.

Cô gái 23 tuổi bị sốc phản vệ do tập thể dục quá sức

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, vào ngày 29/11 bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Đ.T.T.T. 23 tuổi (TP Hồ Chí Minh) đến cấp cứu trong tình trạng nổi hồng ban toàn thân, phù mắt và môi, huyết áp giảm. Bác sĩ nhận định, bệnh nhân T. bị sốc phản vệ độ 3 do tập thể dục quá sức.

Theo BS.CKI Nguyễn Hoàng Khương (khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP Hồ Chí Minh): Bệnh nhân T. có tiền căn thường nổi mề đay khi tập thể dục nhưng lần này, người bệnh rơi vào sốc phản vệ do tập thể dục với cường độ cao.

Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu sớm nên bác sĩ xử trí kịp thời. Mặt khác, trước khi đến bệnh viện, người nhà biết cách sơ cứu ban đầu và gọi xe cứu thương giúp người bệnh không bị sốc trong lúc di chuyển.

Hiếm khi tập thể dục gây ra sốc phản vệ nhưng y văn thế giới cũng ghi nhận một số trường hợp tương tự. Một số bệnh nhân thường chỉ xuất hiện triệu chứng khi gắng sức kèm thêm yếu tố đồng kích thích là thức ăn.

di-bo-co-giam-can-khong-1.jpeg

Hình minh họa.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Khương khuyến cáo, với người có cơ địa dễ dị ứng khi tập thể dục cần thận trọng khi hoạt động thể lực quá sức. Bởi khi tập thể dục, cơ thể nóng lên gây ngứa, nổi mề đay, khó thở, huyết áp giảm làm chóng mặt, té ngã, ngưng thở… có thể đe dọa tính mạng.

Người dân khi tập thể dục nếu thấy ngứa, nổi mề đay phải dừng ngay và đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ kiểm tra, xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị.

Có 3 dấu hiệu này khi tập thể dục, bạn cần dừng ngay lập tức

Ngoài dấu hiệu ngứa, nổi mề đay… bạn cũng nên thận trọng khi đang tập thể dục mà xuất hiện các dấu hiệu này.

1. Chóng mặt đột ngột, khó thở

Khi cơ thể không truyền đủ máu đến não, tim và các mô cơ thì sẽ có dấu hiệu chóng mặt đột ngột, nhịp tim không đều, khó thở…

Những triệu chứng này cũng cảnh báo một vấn đề tim mạch nghiêm trọng ví dụ như đau tim. Trong trường hợp này, bạn hãy ngừng tập thể dục ngay lập tức và tìm kiếm sự trợ giúp y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Giam-can-nen-tap-the-duc-vao-luc-nao-Duckickfit-com.jpeg

Khi cơ thể không truyền đủ máu đến não, tim và các mô cơ thì sẽ có dấu hiệu chóng mặt đột ngột, nhịp tim không đều, khó thở…

2. Sưng hoặc đau ở các khớp

Đôi khi vận động có thể khiến bạn cảm thấy đau cơ nhẹ, tuy nhiên đau khớp lại là một vấn đề khác.

Đau sưng ở khớp là dấu hiệu cho thấy bạn đã gây ra tổn thương cho các mô mềm hoặc khớp xương. Nếu bạn bỏ qua triệu chứng đau khớp, bạn có nguy cơ bị tổn thương dây thần kinh nghiêm trọng và có thể phải phẫu thuật. Chính vì thế việc cần làm lúc này là dừng ngay bài tập thể dục và quan sát triệu chứng của bản thân.

3. Mệt, không thở được khi tập thể dục

Tập thể dục mà thấy mệt đến mức không thở được, bạn nên tập nhẹ dần rồi nghỉ ngơi một lúc.

Thực tế, đã có nhiều bệnh nhân đột quỵ, thậm chí tử vong khi tập thể dục, vận động quá sức, những trường hợp này thường xảy ra ở tuổi trung niên, lớn tuổi. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng mệt, không thở được, chóng mặt.

Bác sĩ Nguyễn Đức Thành (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) khuyên rằng: Những người tuổi trung niên trở lên nếu muốn tập thể dục, chơi các môn thể thao thì nên đi khám sức khỏe tổng quát, tầm soát các yếu tố nguy cơ để chọn lựa bài tập, cường độ phù hợp. Tập thể dục quá sức cũng có thể gây đột quỵ với người trẻ tuổi nếu mắc các chứng bệnh tim mạch như cơ tim giãn nở, tim mạch vành…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *