Nguy hiểm khó lường khi thấy bệnh thuyên giảm đã đột ngột ngưng thuốc

Lo lắng uống thuốc lâu ngày sẽ hại gan thận, tăng tỷ lệ phản ứng có hại, khi thấy các triệu chứng bệnh thuyên giảm nhiều người đã lập tức ngưng thuốc.

Có một số loại thuốc sau khi khỏi bệnh có thể dừng lại, nhưng cũng có nhiều loại sau khi khống chế bệnh, có thể phải dùng một thời gian, nếu đột ngột dừng lại, bệnh có thể tái phát và biểu hiện càng nặng hơn.

Đối với bệnh cấp tính, bệnh tự khỏi, khi thuốc đạt được tác dụng điều trị có thể cắt cơn kịp thời. Ví dụ như thuốc hạ sốt, thuốc trị đau bụng do co thắt đường tiêu hóa, một số loại thuốc giảm đau gây nghiện, sau khi các triệu chứng thuyên giảm hoặc biến mất có thể dừng thuốc.

Ngoài ra, các loại thuốc cầm tiêu chảy, thuốc nhuận tràng trị táo bón, thuốc giảm đau trị đau bụng kinh cũng cần chú ý dừng ngay sau khi bệnh thuyên giảm. Việc lạm dụng thuốc trong thời gian dài không chỉ làm tăng gánh nặng cho gan, thận mà còn gây hại cho cơ thể.


Nguy hiểm khó lường khi thấy bệnh thuyên giảm đã đột ngột ngưng thuốc - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

6 loại thuốc không nên ngừng đột ngột

So với các bệnh cấp tính, một số bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành… hiện nay chưa có thuốc đặc trị và hầu hết đều phải dùng thuốc kiểm soát lâu dài.

Theo một báo cáo từ CVS Caremark (Mỹ) cho thấy, một nửa số bệnh nhân đang dùng thuốc cho các bệnh mạn tính sẽ ngừng dùng chúng trong năm đầu tiên kể từ khi bắt đầu điều trị. Việc không tuân thủ này có thể dẫn đến tình trạng bệnh mạn tính trở nên tồi tệ hơn, tăng số lần nhập viện, tăng thêm chi phí chăm sóc sức khỏe và kết quả sức khỏe tổng thể xấu đi. Việc ngừng thuốc đột ngột còn khiến người bệnh gặp phải các tác dụng phụ do ngừng dùng thuốc.

Thuốc hạ huyết áp

Bác sĩ Huang từng gặp một bệnh nhân cao huyết áp 50 tuổi bị xơ vữa động mạch, bác sĩ nhiều lần khuyên người bệnh uống một loại thuốc hạ huyết áp mỗi ngày nhưng bệnh nhân cảm thấy điều này quá phiền phức, tổn thương gan và thận nên người này đã dừng thuốc khi cảm thấy bệnh tình ổn định. Cuối cùng, ông bị xuất huyết não đột ngột, cấp cứu thất bại.

Thuốc hạ đường huyết

Kiểm soát lượng đường trong máu là một quá trình lâu dài và độc tính của đường trong máu cao sẽ làm trầm trọng thêm tổn thương chức năng tế bào B.

Do đó, cần tích cực kiểm soát đường huyết và bảo vệ chức năng đảo tụy. Nếu ngừng ngay thuốc hạ đường huyết sau khi đường huyết về bình thường, nồng độ đường huyết sẽ tăng mạnh và tình trạng sẽ trầm trọng hơn.

Có một bệnh nhân uống metformin được vài tháng thì đường huyết tụt nên ngưng thuốc luôn. Đến khi kiểm tra lượng đường trong máu lúc đói cao tới 10,3 mmol/L, lượng đường trong máu sau ăn là 16,1 mmol/L và huyết sắc tố glycated là 8,5%. Đặc biệt đối với một số bệnh nhân đang điều trị bằng insulin một khi ngừng thuốc đột ngột cũng sẽ dẫn đến nhiễm toan ceton.

Thuốc chống trầm cảm

Trầm cảm là một bệnh mãn tính có xu hướng tái phát, nếu điều trị không đủ sẽ dẫn đến tái phát nhiều lần, sau khi dùng thuốc chống trầm cảm trong thời gian dài sẽ xuất hiện buồn nôn, nôn, chóng mặt, nhức đầu, lo lắng và các triệu chứng khác sau khi dùng thuốc bị dừng đột ngột. Bệnh tái phát không chỉ làm tăng độ khó điều trị mà còn tốn nhiều chi phí hơn.


Nguy hiểm khó lường khi thấy bệnh thuyên giảm đã đột ngột ngưng thuốc - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Thuốc điều trị viêm gan B

Viêm gan B là một loại bệnh do nhiễm virus viêm gan B với biểu hiện lâm sàng chủ yếu là tổn thương gan, loại bệnh này là bệnh toàn thân. Nói chung bệnh nhân viêm gan B mãn tính cần được điều trị bằng thuốc lâu dài dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Nếu bệnh nhân dừng thuốc đột ngột trong thời gian điều trị có thể gây tổn thương gan, tăng men gan, thậm chí vàng da và suy gan.

Thuốc điều trị cường giáp

Nếu ngừng thuốc điều trị cường giáp đột ngột có thể dẫn đến cơn bão giáp, biểu hiện là sốt cao, suy sụp, suy tim, rối loạn chuyển hóa nước và điện giải, trường hợp nặng có thể hình thành huyết khối.

Thuốc kháng sinh

Thực tế cho thấy, nhiều người uống kháng sinh được vài ba ngày khi thấy các triệu chứng thuyên giảm như hết sốt, không ho… nghĩ rằng đã khỏi bệnh, tự ý ngừng dùng kháng sinh. Điều này có thể khiến bệnh bùng phát trở lại vì vi khuẩn chưa được giết chết hoàn toàn và có nguy cơ trỗi dậy, làm bệnh có thể nặng hơn, diễn biến khó lường. Điều nguy hiểm là gây nên tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn đối với kháng sinh, khiến những lần bệnh sau uống thuốc không còn hiệu quả.

Về vấn đề dùng thuốc chỉ có bác sĩ mới quyết định được bệnh tật của chúng ta. Uống thuốc hoặc ngừng thuốc khi chưa được phép gây lãng phí quá trình điều trị trước đó, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *