Ban đầu, dấu hiệu vướng họng chỉ rất nhẹ nên người bệnh chủ quan. Sau đó, tình trạng này ngày càng khó chịu, nuốt vướng, kèm theo khó thở tăng dần nên ông mới đi khám.
Nam bệnh nhân (51 tuổi, ở Thanh Sơn, Phú Thọ) có tiền sử hút thuốc lào suốt 30 năm nay. Tháng 5/2021, bệnh nhân xuất hiện những khối ở cổ trái to dần lên. Ông có dấu hiệu vướng họng, nuốt vướng, thỉnh thoảng có biểu hiện đau và khạc ra máu.
Hình ảnh chụp CT cho thấy tổn thương đáp ứng rất tốt với phác đồ điều trị (Ảnh trái: Trước điều trị và ảnh phải: Sau điều trị)
Ban đầu dấu hiệu vướng họng chỉ rất nhẹ nên người bệnh chủ quan. Tuy nhiên, biểu hiện khó chịu ngày càng tăng kèm theo khó thở nên ông quyết định đi khám nhưng không phát hiện ra bệnh.
Tháng 6/2021, người đàn ông này đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và được chẩn đoán mắc ung thư hạ họng giai đoạn 3, ung thư thực quản giai đoạn 2 chưa di căn xa. Ông được áp dụng phác đồ điều trị hóa trị và xạ trị đồng thời, có chỉ định mở khí quản, thở qua canyul (do khối u chèn ép gây khó thở). Sau một tháng, ông nuốt được, không còn khó thở, hạch cổ và u nhỏ đi nhiều. Hiện tại, bệnh nhân vẫn được điều trị để hoàn thành phác đồ.
Ung thư hạ họng là khối u ác tính xuất phát từ biểu mô bao phủ hạ họng, chiếm 5-6% ung thư nói chung và đứng thứ 2 sau ung thư vòm họng trong các ung thư vùng đầu cổ. Bệnh lý này thường gặp ở độ tuổi 40-60 với tỷ lệ nam/nữ là 5/1.
Ung thư hạ họng thường gặp ở nam giới, đặc biệt là những người hút thuốc lá và sử dụng bia rượu. Tỷ lệ tử vong phụ thuộc nhiều vào giai đoạn phát hiện bệnh. Do đó, việc hiểu biết và phát hiện sớm sẽ đem lại kết quả điều trị tốt.
Để phòng ngừa ung thư hạ họng, người dân cần xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế các yếu tố nguy cơ như bia rượu, thuốc lá… Cùng với đó, bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nuốt vướng, nuốt đau, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và tầm soát bệnh lý.